Chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành: Xóa vùng “trắng” về văn hóa đọc
VHO- Công tác xuất bản, phát hành năm qua tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Hoạt động xuất bản bị gián đoạn, sức tiêu thụ giảm mạnh, chi phí tăng chóng mặt, thiếu nhân lực trầm trọng… là những tồn tại được chỉ ra tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2022 tại TP.HCM mới đây.
Thị trường xuất bản, phát hành nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng Covid-19
Khó khăn, thua lỗ kéo dài
Đánh giá hoạt động năm 2021, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên tâm tư: Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là đầu ra của xuất bản và in gặp rất nhiều khó khăn do 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Các nhà sách, trung tâm sách, điểm bán sách phải đóng cửa trong thời gian dài, bán trực tuyến không đáng kể, cũng không chuyển phát được. Một số cơ sở phát hành thu hẹp quy mô hoạt động, nhiều hiệu sách phải đóng cửa, lao động trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm dư thừa, nhiều người phải nghỉ việc, đời sống khó khăn do khách hàng giảm sút, thua lỗ kéo dài. Số lượng sách bán ra và doanh thu giảm sút 50-70% trong các tháng quý II và III so với cùng kỳ… Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã chuyển đổi từ kinh doanh sách sang mặt hàng có lợi nhuận cao hơn, mạng lưới phát hành ngày càng thu hẹp. Hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, việc cấm biên của các nước cũng như Việt Nam làm cho chi phí thuê vận chuyển gặp nhiều khó khăn và cước phí tăng lên nhiều lần.
Thị trường sách thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các Hội chợ sách quốc tế và khu vực tạm dừng tổ chức, việc giao dịch, mua bán bản quyền, khai thác khách hàng bị gián đoạn. Các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng, nhiều đơn hàng không “quay đầu” được do giãn cách, do tạm dừng vận chuyển quốc tế, do cước phí vận chuyển tăng cao, nhất là thị trường châu Âu, Anh và Hoa Kỳ.
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị đã nỗ lực rất lớn trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả tới việc thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách. Một số doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới phương thức kinh doanh, chuyển sang bán hàng trực tuyến, phát triển phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói... Đặc biệt, nhiều đơn vị đã chú trọng đầu tư, tham gia vào hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử, để bắt kịp sự phát triển của thị trường sách điện tử trên thế giới.
Các em học sinh tham quan và mua sách tại Đường Sách TP.HCM
Nếu không thay đổi thì chết!
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm yêu cầu những người làm công tác xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp với thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị các đơn vị tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa vùng “trắng” về văn hóa đọc. Việc tổ chức các hội chợ sách ở một số tỉnh, thành phố cần những đổi mới về phương thức, nội dung sao cho phù hợp với nhu cầu độc giả. Việc triển khai mô hình phố sách cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy mặt tích cực, tháo gỡ khó khăn, làm cho các phố sách, đường sách thực sự là thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương. Cần quan tâm thích đáng đến mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn thì cho rằng: “Chính từ trong những khó khăn nối tiếp thời gian qua, công tác xuất bản, in và phát hành bắt đầu có những đột phá, đột phá này xuất phát từ nhu cầu bắt buộc: Nếu không thay đổi thì chết! Lúc này hàng loạt doanh nghiệp đã nhanh nhạy xây dựng các sàn thương mại điện tử, nhờ ứng dụng công nghệ mà trụ được. Xu thế thay đổi buộc chúng ta phải thay đổi, dù chậm nhưng còn hơn không”.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, phía Bộ đã xây dựng kế hoạch 5 năm cho Cục Xuất bản, In và Phát hành từ 2022-2026, với những phần việc cụ thể hóa theo lộ trình từng năm, thậm chí là từng tuần. Các nhiệm vụ cụ thể như: Nâng cao văn hóa đọc cho người dân bằng nhiều hình thức, phù hợp cho từng đối tượng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của các doanh nghiệp. Với xu hướng và bối cảnh hiện nay, việc nâng cao văn hóa đọc theo hình thức chuyển đổi số cần được ưu tiên, đặc biệt là vươn đến khu vực thôn, bản, khu vực đang là vùng trũng về văn hóa đọc. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị đầu tư nâng cao nguồn lực là các tác giả, dịch giả để có được tác phẩm hay; nâng cao chất lượng xuất bản phẩm và chú trọng những tác phẩm có giá trị cao, có khả năng thương mại lớn. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành xuất bản, phát hành, xây dựng các nền tảng số dùng chung…
TÙNG THƯ - HỒNG HẠNH